Để người bán hàng rong tạo ra thịnh vượng
Giải pháp tư nhân hóa bằng cách bảo đảm cho người bán hàng rong quyền “sở hữu” phần vỉa hè, không gian chung nên được xem xét.
LTS: Vừa qua, vụ việc lực lượng công quyền đánh người bán hàng rong tại TP. HCM đã gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, từ đây một vấn đề đặt ra là tìm giải pháp hiệu quả để giải quyết sinh kế cho những người bán hàng rong, đồng thời đảm bảo trật tự, mỹ quan chung tại các thành phố.
Tuần Việt Nam giới thiệu một góc nhìn của tác giả Nghi Di. Mời độc giả cùng thảo luận và góp ý kiến/ bài viết.
Cấm, phạt không giải quyết vấn đề
Hàng ngày, khi chúng ta đổ ra đường để đến chỗ làm, những quán hàng nhỏ chen nhau trong từng khoảng trống vỉa hè. Từ mờ sáng, cuộc sống ngoài phố đã nhộn nhịp như một tổ ong, với những chiếc xe máy vun vút trên đường đầy ắp hàng hóa, rau cỏ, thịt thà, từ các chợ đầu mối vào thành phố, xuống các khu chợ bán lẻ và gánh hàng của những người bán hàng rong.
Những người bán hàng rong với đủ mọi thứ sản phẩm phong phú, những gánh nông sản, xe chở hoa… bám lấy từng góc phố đông đúc trong cuộc mưu sinh. Đến chiều tối, phố xá lại được “trang điểm” bằng những cột khói từ vỉa than nướng thịt hay xúc xích.
- Quầy lưu động Green – Shop hoa quả sạch
- iMax xây dựng tuyến phố ẩm thực với hoàng loạt quầy xe lưu động
- Bài trí góc làm việc chỉ 1m2 mà vẫn thả phanh ở nhà(Mở trong cửa số mới)(Mở trong cửa số mới)
Cuộc sống rất nhiều gia đình trông vào những gánh hàng rong thế này |
Những người bán hàng rong là một phần năng động của đời sống ở nhiều thành phố. Nhưng họ cũng thường bị lên án vì lấn chiếm vỉa hè, lối đi chung gây bất tiện cho di chuyển; hay thói quen xả rác thải ảnh hưởng mỹ quan.
Rõ ràng, nỗ lực mưu sinh của người này lại trở thành sự khó chịu đối với người khác. Vỉa hè là tài sản công, nơi dành cho người đi bộ, nhưng vỉa hè cũng là nơi mưu sinh của nhiều triệu người. Ở đây, xảy ra một tình trạng được các nhà kinh tế gọi là “bi kịch của mảnh đất công” [1].
Dường như chính sách tổng thể cũng như chính quyền địa phương các nơi vẫn lúng túng, không biết nên xử lý với vấn đề hàng rong như thế nào.
Đến nay, giải pháp chính được áp dụng là sử dụng lực lượng công quyền như công an, dân phòng, trật tự đô thị, với các biện pháp tịch thu hàng hóa, phạt người bán hàng.
Giải pháp này chưa cho thấy hiệu quả thực sự, mà còn tạo nên những cảnh tượng rượt đuổi, giằng co phản cảm. Nó cũng hàm chứa nguy cơ lộng quyền từ lực lượng làm nhiệm vụ giữ trật tự và tạo ra kiểu quan hệ đối phó từ những người bán hàng rong. Khi lực lượng cưỡng chế vừa đi khỏi, họ lại nhanh chóng quay về chỗ cũ buôn bán.
Tư nhân hóa tài sản chung?
Người bán hàng rong không có quyền sở hữu đối với chỗ đặt gánh/ xe hàng và biết rằng có thể bị đuổi đi hoặc tịch thu hàng hóa bất cứ lúc nào. Kết quả là họ không quan tâm tới việc đầu tư vào hàng quán và hoạt động manh mún, thiếu quy hoạch, gây ảnh hưởng đến không gian, cộng đồng chung.
Như vậy, giải pháp tư nhân hóa bằng cách bảo đảm cho người bán hàng rong quyền “sở hữu” phần vỉa hè, không gian chung mà đằng nào họ cũng tìm cách sử dụng nên được xem xét. Điều này sẽ làm thay đổi nhận thức, hành vi của những người bán hàng rong.
Ví dụ, quan sát một câu chuyện nhỏ như việc vứt rác sẽ thấy hiện tượng này thường xảy ra ở những nơi thuộc tài sản công và sẽ không ai “ngó ngàng”. Tuy nhiên, khi rác bị ném vào những nơi thuộc tài sản riêng nhưng được mở ra cho mọi người cùng sử dụng – như siêu thị, sân thể thao, rạp chiếu phim…, tình hình sẽ khác. Chủ sở hữu sẽ cho người dọn dẹp, bởi nó ảnh hưởng đến cơ sở kinh doanh của họ.
Cấm, phạt, tịch thu hàng hóa có giải quyết được vấn đề? |
Thiết lập quyền sở hữu khuyến khích mỗi người cải thiện công việc kinh doanh của chính mình, đầu tư và tối ưu hóa việc sử dụng cơ sở kinh doanh.
Chẳng hạn, một vị trí đặt gánh/ xe hàng có thể được bố trí để nhiều người thay phiên sử dụng vào các buổi trong ngày. Sáng sớm dành cho người bán điểm tâm, đến 9 hay 10 giờ dành cho người bán cơm trưa, sau đó khoảng 4 giờ chiều chuyển cho người bán đồ ăn tối.
Cách thiết lập quyền “sở hữu” còn tạo ra một thị trường chuyển nhượng vị trí. Người dân có thể thu xếp việc sử dụng vị trí phù hợp với giá trị kinh tế của nó.
Nó cũng giúp việc giữ gìn trật tự trong khu vực buôn bán hiệu quả hơn. Những ban quản lí tại chỗ nắm rõ khu vực của mình và có thể giúp giải quyết kịp thời các tranh chấp phát sinh. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố có thể thu thuế, tăng ngân sách.
Buôn bán trên đường phố có thể trở thành nơi ươm mầm cho những “doanh nghiệp” có khả năng tăng trưởng và đầy sức sống. Một tầng lớp tiểu thương, doanh nhân nhỏ có thể được hình thành và cống hiến lợi ích cho xã hội.
Chính quyền thành phố tại một số quốc gia đã phải công nhận cấm buôn bán trên hè phố là việc làm vô ích. Ngược lại, nếu nhà nước thay đổi tư duy, và tạo cơ hội cho quyền sở hữu, quy hoạch có trật tự, việc buôn bán trên đường phố có thể sẽ trở thành bước khởi đầu trên con đường dẫn tới thịnh vượng.